Phát biểu tại đối thoại: “Bất động sản công nghiệp: Cơ hội từ chính sách” do báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia cho biết đến tháng 7/2024 là tròn hai năm thực hiện Nghị định 35/2022/NĐ-CP (Nghị định 35) của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực thì vẫn còn một số vấn đề cần làm rõ, thậm chí nhiều vướng mắc phải tháo gỡ.
HẠN CHẾ TRONG TIẾP CẬN ƯU ĐÃI
Bà Vân Nguyễn, Giám đốc cấp cao khối thị trường giao dịch phía Bắc, Công ty Tư vấn bất động sản Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Việt Nam), nhận định Nghị định 35 đã hướng dẫn việc phát triển, quản lý và vận hành khu công nghiệp. Trong đó điểm nổi bật của Nghị định là lần đầu tiên đề cập khá chi tiết thế nào là khu công nghiệp sinh thái. Điều này cho thấy các cơ quan Nhà nước đã bắt kịp với thời cuộc, bởi khu công nghiệp sinh thái hay phát triển xanh, phát triển bền vững đang trở thành một xu hướng tất yếu.
Nhưng để phát triển được, bà Vân cho rằng sẽ cần nhiều chi phí. Vậy nếu nhà phát triển hạ tầng hoặc doanh nghiệp sản xuất đi theo xu hướng đó thì chính sách hỗ trợ của Nhà nước có khác biệt ra sao? Cụ thể, chính sách có giúp doanh nghiệp ở khía cạnh tài chính không?
“Khi xây dựng khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái, rõ ràng phải đầu tư bài bản. Mặc dù Nghị định 35 có nhắc đến điều kiện ưu đãi song rất khó áp dụng các điều kiện đó. Ví dụ chỉ qua những câu chung chung như được tiếp cận nguồn vốn xanh, nguồn vốn ưu đãi, sẽ không thể giải quyết vấn đề, mà cần thể hiện bằng cách thức cụ thể”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Cũng theo bà Vân, ngoài phát triển xanh, Nghị định 35 còn đề cập tới quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân, công trình phụ trợ cho người lao động – một khái niệm mở rộng của việc phát triển bền vững. Thực tế, trong thực hiện vẫn phải có thông tư hướng dẫn thi hành cụ thể hơn nữa, với chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp triển khai thuận lợi nhằm đạt đến giá trị mà Nghị định 35 hướng tới.
Theo TS. Phạm Hồng Điệp, Phó Chủ tịch Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIERA), Nghị định 35 đã quy định về nhà ở lưu trú tại khu công nghiệp nhưng khi các luật Bảo vệ môi trường, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng… và một số nghị định do điều tiết Luật khác ban hành cùng quy định liên quan đến vấn đề này thì dễ tạo nên sự chồng chéo, trở thành những khái niệm rất khác.
Ông Điệp chia sẻ tiêu chí của Luật Nhà ở trước đây khá xa so với bây giờ. Trong khi nhu cầu của công nhân tại khu công nghiệp đòi hỏi ngày càng cao về tiện ích, nếu xây nhà theo Luật cũ thì tiện ích có thể bị giảm tối thiểu, dẫn đến trường hợp đơn vị xây dựng nhà ở lưu trú công nhân xong mà công nhân không vào ở. “Giả sử mỗi phòng của công nhân gồm 6-8 người nhưng cả khối nhà mới xây dựng một phòng vệ sinh sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, cần điều chỉnh sự bất cập trong các Luật khác khi điều tiết cùng vấn đề”, ông Điệp lưu ý.
Còn theo đánh giá của bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái với đầy đủ các tiêu chí sẽ giúp hiện thực hóa những cam kết về biến đổi khí hậu của Chính phủ, chiến lược của quốc gia về tăng trưởng xanh, đề án phát triển kinh tế tuần hoàn và cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng tại Hội nghị Cop 26.
TIẾP TỤC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TRIỂN KHAI KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Vân cho biết khu công nghiệp phát triển xanh và phát triển bền vững trên thế giới tập trung vào yếu tố: sử dụng năng lượng hiệu quả và quản lý chất thải; tuần hoàn tái sử dụng nguyên vật liệu; chuỗi cộng sinh công nghiệp; cộng đồng mạng xã hội khu công nghiệp
Trong đó, yếu tố góp phần tạo nên bền vững từ bài học các nước là xây dựng và phát triển cộng đồng mạng xã hội cho khu công nghiệp, mà ở đây muốn nói đến việc đào tạo và nâng cao kỹ năng tay nghề đối với người lao động, cũng như cải tạo điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt rất quan trọng. Không phải tự nhiên chúng ta nhìn thấy thời gian vừa qua ở nhiều nơi có khu công nghiệp phát triển thành công, kinh tế nói chung của khu vực lại được nâng cao. Điều đó thể hiện việc phát triển khu công nghiệp sẽ đem đến sự tích cực cho xã hội nói chung.
“Đây chính là “điểm chung” toàn cầu. Doanh nghiệp phát triển các khu công nghiệp bền vững đều đi theo những yếu tố then chốt này. Tuy nhiên, khi áp dụng tại Việt Nam, cần linh hoạt để phù hợp điều kiện địa phương nhằm phát huy tốt thế mạnh từng nơi, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân trong khu công nghiệp.
Riêng tiếp cận nguồn vốn, TS. Vương Thị Minh Hiếu cho rằng đầu tư giải pháp công nghệ giúp đạt hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường là cực lớn, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cho nên doanh nghiệp cần dòng vốn riêng. Chúng tôi cũng đã làm việc cùng một số tổ chức quốc tế, quỹ tài chính… nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn trong quá trình thực hiện mô hình này.
Mặt khác, cơ quan quản lý đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách ở tầm thấp là hướng dẫn từ phía bộ ngành liên quan đến hỗ trợ hoạt động kết nối cộng sinh công nghiệp. Bên cạnh đó là chính sách ở tầm cao hơn cả nghị định, ở tầm luật cũng cần một khung pháp lý riêng cho khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đấy, bao gồm những cơ chế chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp bỏ ra nhiều chi phí thực hiện mô hình, và cả doanh nghiệp thứ cấp cam kết thực hiện trách nhiệm về môi trường xã hội.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu cho Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo đó, tư tưởng xuyên suốt của Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế là hiện thực hóa chủ trương, chính sách, quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế trong thời kỳ mới. Qua đó, tạo ra hành lang pháp lý – một đạo luật chung điều chỉnh tất cả hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế, đồng thời khắc phục điểm yếu của Nghị định 35 hiện nay.
“Luật kỳ vọng sẽ hạn chế được bất cập trong tổ chức thi hành quy định liên quan đến khu công nghiệp, khu kinh tế ở những văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Ngoài ra còn có thể khuyến khích sự phát triển và hiện thực hóa mô hình mới”, bà Hiếu thông tin.