“Sự thay đổi này, về bản chất, không phải sự phát triển mà là nỗ lực tiến về “vạch xuất phát”, thay vì tồn tại trong trạng thái “âm” như thời kỳ vừa qua. Tuy nhiên, đây sẽ là căn cứ và nền tảng để thị trường chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới mang tính ổn định, bền vững và hiệu quả hơn”, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định.
PHÂN KHÚC TRUNG CẤP BẮT ĐẦU KHAN HIẾM
Thông tin tại “Diễn đàn thị trường bất động sản Việt Nam 2024 – Vượt qua thách thức” do VARS tổ chức ngày 5/1, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường & Tư vấn xúc tiến đầu tư (VARS) cho biết: Trong năm 2023, nguồn cung nhà ở thương mại vẫn còn rất khan hiếm. Tổng nguồn cung nhà ở năm 2023 đạt khoảng 55.329 sản phẩm, tăng 14% so với tổng lượng sản phẩm chào bán năm 2022, nhưng vẫn chỉ bằng 32% so với năm 2018 – năm chưa xảy ra đại dịch (180.000 sản phẩm).
Thị trường thiếu vắng hẳn các sản phẩm nhà ở thương mại giá bình dân. Tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân trên tổng nguồn cung căn hộ mở bán liên tục tụt giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 6% vào năm 2023. Nguồn cung các căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 chỉ có từ các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà thương mại tại các tỉnh thành cấp II, cấp III. Đặc biệt, phân khúc trung cấp cũng bắt đầu khan hiếm tại 2 đô thị đặc biệt. Nguồn cung căn hộ có mức giá 40 triệu đồng/m2 gần như chỉ có tại các tỉnh thành xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Bắc Ninh…
Mặc dù nguồn cung nhà ở sơ cấp đưa vào thị trường vẫn còn “nhỏ giọt”, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường khó khăn, việc có thêm nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung căn hộ từ các dự án mới đã góp phần làm “ấm” thị trường. Càng về cuối năm, nguồn cung càng được đẩy mạnh về chất và lượng. Riêng trong quý 4, các sự kiện mở bán, kick-off quy mô lớn liên tục được triển khai. Một số dự án mới được đẩy mạnh truyền thông với nhiều hoạt động khuấy động thị trường, đặc biệt là các dự án thuộc Vinhomes, Khang Điền…
Về khả năng hấp thụ của thị trường, đại diện VARS chia sẻ: lượng giao dịch khó bật tăng do nguồn cung khan hiếm, không phù hợp với khả năng tài chính của người mua, mặt bằng lãi suất giảm nhưng nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận với nguồn vốn tín dụng do không đáp ứng được điều kiện vay vốn… Một số nguồn cung được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, được kỳ vọng tạo “cú hích” cho thị trường lại không “ra” được do không đáp ứng được yêu cầu pháp lý.
Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc SGO Homes phân tích: Trong ngắn hạn, nguồn cung vẫn khó có thể bật tăng. Do số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới rất ít và đang ngày càng có xu hướng sụt giảm, đặc biệt là phân khúc bình dân, trung cấp. Nút thắt về pháp lý khiến cơ quan quản lý Nhà nước thận trọng hơn trong việc phê duyệt dự án. Vướng mắc pháp lý cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu ra, không có nguồn lực để trả nợ và phát triển dự án mới…
THỊ TRƯỜNG SẼ KHÔI PHỤC TỪ CUỐI QUÝ 3/2024
Mặc dù thị trường bất động sản vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhưng tại diễn đàn, đa số các chuyên gia đều nhìn nhận rằng đang có nhiều yếu tố tác động tích cực đến thị trường này trong năm 2024.
Trong năm 2024, cầu nhà ở tại các đô thị lớn duy trì lực mạnh, sẵn sàng hấp thụ các sản phẩm chất lượng, giá hợp lý. Cầu thực vẫn duy trì mức ổn định. Cầu đầu tư bất động sản để tích lũy để tạo dòng tiền cần thêm thời gian để hồi phục khi niềm tin khách hàng và tình hinh kinh tế chung khởi sắc hơn.
Nguồn: VARS
Cụ thể, trải qua quá trình thanh lọc thì sức khỏe nội tại, cùng khả năng ứng biến với các khó khăn, thử thách của các chủ thể tồn tại trên thị trường sẽ được nâng lên. Bên cạnh đó, các thay đổi trong luật mới tuy chưa được áp dụng nhưng sẽ là tín hiệu tích cực để các chủ thể gửi gắm niềm tin và “xốc” lại tinh thần cho công đoạn chuẩn bị trong thời kỳ sắp tới (với điều kiện Luật đất đai phải “ăn nhập” và thống nhất với 2 bộ luật đã được thông qua trước đó).
Ngoài ra, song song với các giải pháp tháo gỡ các khó khăn về mặt pháp lý, nguồn vốn cho thị trường bất động sản, thì “niềm tin” của khách hàng và nhà đầu tư vẫn sẽ là yếu tố tiếp tục được quan tâm và tập trung các biện pháp nhằm giải tỏa trong năm 2024. Đồng thời, các cơ chế, chính sách, đặc biệt liên quan đến tín dụng đạt được độ ngấm sẽ cho thấy rõ hơn các tác động tích cực đến thị trường…
Trên cơ sở đó, các chuyên gia dự báo: quý 1 và quý 2/2024, thị trường sẽ tiếp tục duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023. Nhưng từ cuối quý 3 trở đi, thị trường sẽ ngày càng được khôi phục. Các chương trình mở bán quy mô lớn cùng chiến dịch truyền thông rầm rộ sẽ diễn ra một cách thường xuyên và liên tục hơn. Đây được xem là hành động quyết liệt, thể hiện sự quyết tâm sinh tồn rất cao của các chủ đầu tư trong nỗ lực vượt qua khó khăn.
Tuy vậy, giá nhà vẫn sẽ duy trì mức giá cao cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Mức giá có khả năng hấp thụ tốt ở Bình Dương là khoảng 33-35tr/m2, ở TP. HCM khoảng 50tr/m2. Tại Hà Nội, ngày càng khan hiếm dự án mới giá dưới 50 triệu/m2. Giá chào bán tiếp tục tăng tại các giai đoạn cuối tại các phân khu trong cùng dự án do nguồn cung vẫn tiếp tục khan hiếm. Song nhìn chung, thị trường sẽ có nhiều hơn sự góp mặt của các sản phẩm giá phù hợp hơn với nhu cầu của người dân, chủ yếu đến từ các dự án nhà ở xã hội. Đây cũng là phân khúc sẽ phát huy tốt vai trò trụ cột, dẫn dắt toàn bộ thị trường từ giai đoạn giữa năm 2024.
“Tuy chưa thể khẳng định thị trường sẽ đạt được các kết quả rực rỡ trong năm 2024. Nhưng chắc chắn 2024 chính là “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS nhìn nhận.